Bệnh tiểu đường là gì?
Với độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, tiểu đường trở thành một trong những bệnh lí đang được quan tâm, tìm hiểu nhiều nhất hiện nay. Tuy vậy, phần lớn chúng ta thường chỉ nhắc đến tiểu đường như một căn bệnh do người ta “ăn quá nhiều đường”. Thực tế, tiểu đường đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các tuýp bệnh tiểu đường, triệu chứng tiểu đường và di chứng mà nó gây ra đối với sức khỏe con người nhé.
Tiểu đường có thể hiểu đơn giản là đường huyết trong cơ thể luôn cao trên mức bình thường. Trên thế giới, Việt Nam đang là nước dẫn đầu về tỉ lệ gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường (8-10%/năm). Tuy nhiên, có đến hơn một nửa số người mắc bệnh không nhận thức được về tình trạng sức khỏe của mình. Những biểu hiện và di chứng của tiểu đường có thể gây ra rất nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt của người bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Có những tuýp tiểu đường nào?
Lượng Insulin (sản xuất bởi tuyến tụy) sản sinh ra không thể chuyển hóa hết lượng đường được hấp thụ, dẫn đến tích tụ đường trong máu là nguyên nhân tiểu đường phổ biến. Bệnh được chia ra thành các dạng như sau:
Tiểu đường tuýp 1
Loại này xảy ra do sự rối loạn trong hệ thống miễn dịch tấn công tụy, khiến tụy không thể hoặc tiết ra rất ít insulin. Phần lớn bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 là do di truyền và hay xuất hiện ở trẻ em, trẻ vị thành niên. Thời gian đầu khi mắc bệnh, các triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 hầu như không xuất hiện, vì vậy bệnh nhân và người nhà thường chỉ phát hiện ra khi số lượng tế bào sản xuất insulin bị phá hủy quá lớn, làm đường trong máu tăng cao và gây ra các tình trạng bệnh lí.
Tiểu đường tuýp 2
So với tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên trở lên và chiếm đến 95% số bệnh nhân mắc chứng tiểu đường. Nguyên nhân tiểu đường mắc bệnh là do tình trạng kháng insulin. Cụ thể, một số bệnh về gan, thận, thừa cân, béo phì,… khiến lượng insulin bình thường cơ thể tiết ra không đủ để chuyển hóa glucozo. Chất này tích tụ nhiều trong máu sẽ gây ra các triệu chứng tiểu đường, biến chứng lâu dài. Tiểu đường loại 2 cũng có thể di truyền qua các thế hệ trong gia đình.
Tiểu đường tuýp 3 (Tiểu đường trong thai kỳ)
Tiểu đường thai kỳ diễn ra chủ yếu ở tuần mang thai thứ 24-28. Giai đoạn thường ngắn và sẽ kết thúc sau khi mẹ bầu sinh em bé. Tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ tái mắc bệnh trong tương lai khi đã có tiền sử đái tháo đường thai kỳ cao hơn hẳn những người khác. Tiểu đường tuýp 3 cũng khiến cho thai nhi dễ mắc phải các biến chứng nguy hiểm, sau này dễ béo phì và mắc tiểu đường loại 2. Vì vậy, các thai phụ cần chú ý giữ gìn sức khỏe, chế độ ăn uống lành mạnh và đặc biệt nên đi khám thai định kỳ để phát hiện và chữa bệnh kịp thời nếu mắc chứng tiểu đường.
Triệu chứng tiểu đường?
Các tuýp tiểu đường có những triệu chứng và giai đoạn biểu hiện khác nhau, nhưng thường sẽ có chung một số triệu chứng như:
- Khát nước liên tục: Do đường huyết, các tế bào liên tục phải cấp nước để làm loãng đường trong máu, chúng luôn trong tình trạng thiếu nước và kích thích lên não bộ gây cảm giác khát nước
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày: Thường lớn hơn 7 lần/ngày do thận phải làm việc liên tục để lọc và đào thải bớt đường trong máu. Cơ thể mất nước nhiều cũng gây khô miệng và da.
- Cân nặng sụt giảm bất thường, nhanh đói và thường xuyên mệt mỏi: Người bị tiểu đường không thể chuyển hóa glucozo thành năng lượng cho tế bào hoạt động, đồng thời lượng lớn glucozo cũng bị thất thoát qua nước tiểu. Thiếu insulin làm giảm quá trình tổng hợp protein và mỡ trong khi hai chất này liên tục bị tiêu hao để cung cấp năng lượng cho cơ thể dẫn đến sụt cân nhanh chóng.
- Dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm: Hệ thống miễn dịch làm việc kém hiệu quả, đồng thời, nấm men ăn đường nên người bệnh dễ xuất hiện các vết nhiễm trùng, lở loét ở các nếp gấp ẩm trên da như kẽ ngón tay, chân, dưới ngực, cơ quan sinh dục,…
- Giảm thị lực: Đường trong máu quá nhiều có thể phá hủy các mao mạch dưới đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề, ảnh hưởng đến thị lực và gây ra các bệnh về mắt.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Nhiều chức năng cơ thể bị ảnh hưởng, người bị tiểu đường sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng mãn tính
- Tim mạch: Các biến chứng về tim mạch như mỡ máu cao, xơ vữa, xơ cứng động mạnh, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
- Để phòng tránh và giảm thiểu tổn hại sức khỏe do những biến chứng tim mạch gây ra, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số cơ thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng với lượng chất béo và đường lành mạnh vừa đủ, thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ nhàng kích thích tuần hoàn máu.
- Thị lực: Không chỉ làm giảm thị lực, tiểu đường còn có thể dẫn tới đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí mù lòa. Người bệnh nên đi khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần để kịp thời phát hiện bệnh tình.
- Về thần kinh: Thần kinh bị tổn thương là biến chứng dễ thấy nhất và thường xuất hiện sớm ở người bị bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể thấy tê nóng chân tay, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, dễ tiết mồ hồi, mất hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, sụp mí, mắt lác, liệt bàng quan, liệt dương, rối loạn tiêu hóa,…
- Thận: Làm giảm chức năng lọc của thận, thậm chí dẫn đến suy thận. Người bệnh nên hạn chế ăn mặn, giảm lượng đạm, mỡ hấp thu và thường xuyên xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng thận.
- Biến chứng nhiễm trùng: Dễ gặp ở những vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, sinh dục và tiết niệu. Khi gặp một số triệu chứng tiểu đường nguy hiểm như sốt, cơ thể có mùi khó chịu, tiểu buốt, tiểu ra máu,… cần đi khám bác sĩ ngay.
Biến chứng cấp tính
Là những biến chứng xảy ra đột ngột có thể nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý kịp thời
- Hạ đường huyết: Biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tay chân bủn rủn, toát mồ hôi hột, choáng váng, tim đập nhanh do các nguyên nhân như sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức, lạm dụng bia rượu,… Bệnh nhân cần được bổ sung đường bằng dinh dưỡng chuyên biệt như uống Glucozo, ăn bánh kẹo, trái cây ngọt,… tình trạng nguy hiểm phải được đưa đi cấp cứu ngay.
- Nhiễm toan ceton: Những chuyển hóa trong cơ thể do thiếu insulin tạo ra các sản phẩm thừa, tăng nồng độ axit làm cho máu bị nhiệm độc, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Hôn mê: Đường huyết cao làm tăng áp lực thẩm thấu, dẫn đến tình trạng hôn mê sâu đặc biệt nguy hiểm.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ
Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản của người mẹ (cao huyết áp, sinh non, đa ối, nhiễm khuẩn niệu, sảy thai và lưu thai,…), trẻ em được sinh ra nếu mẹ bị mắc tiểu đường trong khi mang thai cũng mắc phải một số biến chứng như:
- Tăng trưởng quá mức và thai to
- Hạ glucozo huyết tương và mắc các bệnh về chuyển hóa
- Hội chứng nguy kịch hô hấp
- Tăng hồng cầu
- Vàng da sau sinh
- Tử vong ngay sau sinh
- Khi lớn lên dễ mắc đái tháo đường tuýp 2, tỉ lệ cao gấp nhiều lần so với người bình thường khác.
Tiểu đường ảnh hưởng tới phần lớn các chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách theo dõi, kiểm soát các chỉ số cơ thể thường xuyên, ăn uống hợp lý, tuân thủ chế độ dùng thuốc theo chỉ dẫn của y, bác sĩ và rèn luyện lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao đều đặn, chánh xa rượu bia và chất kích thích. Hãy tự giác vì chính an toàn sức khỏe của bản thân mình nhé!